DƯỠNG SINH 4 MÙA – CẢ NĂM KHÔNG CÓ BỆNH
Âm Dương bốn mùa biến đổi theo quy luật: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng. Cơ thể con người là tiểu vũ trụ, còn thiên nhiên là đại vũ trụ, tiểu vũ trụ ở trong đại vũ trụ, thời thời khắc khắc đều sẽ chịu ảnh hưởng của đại vũ trụ. Bốn mùa khác nhau, tiết khí khác nhau, sẽ đối ứng với các phép Dưỡng sinh khác nhau để thuận ứng với quy luật biến đổi đó, Văn phòng phẩm Hải Giang tổng hợp phép Dưỡng sinh theo 4 mùa và nếu chú tâm thực hiện, thì cả năm sẽ không có bệnh.
Dưỡng sinh mùa Xuân
Ba tháng mùa Xuân (tháng 1,2,3 Âm lịch) là thời kì khởi đầu của một năm, Dương khí phát sinh, sinh khí tràn đầy trong trời đất, vạn vật bừng tỉnh, thay cũ đổi mới, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi.
Phép dưỡng sinh vào mùa Xuân:
- Mùa Xuân nên đi ngủ muộn và thức dậy sớm.
- Mùa Xuân thức ăn nên giảm vị chua, tăng vị ngọt.
- Buổi sáng nên tập thể dục, đi dạo ngoài trời để thu nạp khí dương, xoã tóc giãn mình và để tâm hồn thoải mái vui vẻ theo cảnh vật tự nhiên.
- Thực đơn bữa ăn nên dùng các món thanh đạm, hợp khẩu vị. không nên dùng nhiều những món xào, rán béo ngậy hoặc các món sống lạnh.
- Cần giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, cởi mở, khoan dung, lạc quan và yêu đời. Đặc biệt cần tránh cáu giận để dưỡng tính, bớt suy nghĩ. tư lự, suy tính riêng tư để dưỡng thần, dưỡng tâm, nói ít để dưỡng khí.
- Mùa Xuân Dương khí mạnh mẽ. Vì vậy, chuyện chăn gối không cần kiềm chế quá mức cũng không nên quá phóng túng, đặc biệt không nên tiến hành sau lúc uống rượu quá say, ăn quá no, người mệt nhọc, vừa tắm rửa xong người chưa khô hẳn…
Dưỡng sinh mùa Hạ
Ba tháng mùa Hạ (tháng 4,5,6 Âm lịch) cây cỏ sum sê, tươi tốt, khí của Trời Đất giao nhau, vạn vật đều được kết trái. Là thời kì khí trời rất nóng, Dương khí vượng nhất trong năm, vì vậy quá trình trao đổi chất trong cơ thể người cũng diễn ra mạnh mẽ, Dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong.
Phép dưỡng sinh vào mùa Hạ:
- Mùa Hạ nên đi ngủ muộn và thức dậy sớm, đừng trễ lười vào những ngày Hạ.
- Nên giảm thức ăn có vị đắng, tăng vị cay.
- Nên tắm nắng hợp lý vào buổi sáng, buổi chiều muộn giúp cơ thể hấp thụ năng lượng mặt trời để thông kinh lạc, điều hòa khí huyết. Mùa hè không tập thể dục hoặc vận động quá sức làm Dương khí thoát ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Không ngồi điều hòa quá lâu, hoặc ăn uống đồ lạnh quá nhiều. Vì làm như vậy, Dương khí không thoát được ra ngoài thông qua các tuyến mồ hôi sinh ra uất nhiệt, kết nhiệt bên trong cơ thể sinh ra nhiều bệnh viêm nhiễm, phát ngứa, nhiệt miệng, viêm lợi… nặng lâu ngày thậm chí tích thành các khối u.
- Thực đơn bữa ăn nên dùng các món thanh đạm, dễ tiêu và có tác dụng chống nóng.
- Cần giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, cởi mở, khoáng đạt, cần điềm tĩnh và đặc biệt không cáu giận.
- Mùa Hạ Dương khí mạnh nhất trong năm. Vì vậy, chuyện chăn gối không cần kiềm chế quá mức nhưng cũng không nên quá phóng túng, đặc biệt không nên tiến hành sau lúc uống rượu quá say, ăn quá no, người mệt nhọc, vừa tắm rửa xong người chưa khô hẳn…
Dưỡng sinh mùa Thu
Ba tháng mùa Thu (tháng 7, 8, 9 Âm lịch) thời tiết chuyển từ nóng sang mát mẻ, cũng là thời kỳ dương khí bắt đầu thu lại, âm khí lớn dần, từ dương thịnh chuyển sang âm thịnh, là mùa vạn vật đủ chín để có thể thu hoạch.
Phép dưỡng sinh vào mùa Thu:
- Mùa Thu nên ngủ sớm dậy sớm.
- Mùa Thu thức ăn nên giảm vị cay tăng vị chua.
- Mùa thu, các nhà dưỡng sinh xưa thường tu tập các bài tập như thiền, khí công,… Mùa thu khí trời mát mẻ cũng là điều kiện tốt để rèn luyện thân thể. Tuy nhiên, cần tùy theo độ tuổi mà lựa chọn những hình thức luyện tập thích hợp. Thanh niên có thể chơi các môn leo núi, bơi lội, tắm nước lạnh. Người cao tuổi, thân thể đã hư nhược, có thể múa quyền, chạy chậm, đi bộ và tập một số công pháp nhẹ nhàng… Nói chung, dưỡng sinh trong mùa thu nên thiên về các môn tĩnh công.
- Thực đơn bữa ăn nên dùng các món thanh đạm, có tính mát để thanh nhiệt dưỡng âm, sinh tân dịch như: Củ cải, giá đỗ, củ đậu, ngó sen, khoai sọ, khoai môn, củ từ, mía, lê, táo, hồng xiêm, nho, trứng vịt, thịt thỏ, tiểu mạch, bách hợp, trà mạch môn....
- Mùa Thu nên giữ nội tâm yên tĩnh, tinh thần vui vẻ, tâm trạng thoải mái, tuyệt đối không nên đau buồn phiền muộn. Cho dù gặp phải chuyện đau buồn cũng nên chủ động hóa giải, tránh sát khí mùa Thu.
- Mùa Thu tiết trời mát mẻ, số lượng các cặp đôi ở trạng thái “đang hẹn hò” hay “đã kết hôn” cao hơn so với trung bình cả năm. Hẳn là, không khí lãng mạn mùa thu giúp họ tăng cảm xúc yêu đương.
Dưỡng sinh mùa Đông
Ba tháng mùa Đông (tháng 10, 11, 12 Âm lịch) vạn vật thu mình ẩn náu lẩn tránh rét lạnh, hoạt động của vạn vật có xu hướng dừng lại, dùng trạng thái ngủ đông để nghỉ ngơi dưỡng sức, chuẩn bị đón mùa
Xuân tràn trề sức sống.
Phép dưỡng sinh vào mùa Đông:
- Mùa Đông nên ngủ sớm dậy muộn.
- Mùa Đông thức ăn nên giảm vị mặn thêm vị đắng.
- Mùa Đông nên tránh lạnh, giữ ấm, không nên ra ngoài quá sớm làm cơ thể bị nhiễm lạnh. Nên làm việc, tập luyện nhẹ nhàng, tránh ra mồ hôi làm tổn thương dương khí.
- Mùa Đông là thời kì tốt nhất để bồi bổ cơ thể, tiến hành thực bổ (bồi bổ bằng thực phẩm) để bổ sung nguyên khí chống lại giá lạnh mùa Đông. Có câu “mùa Đông bồi bổ, mùa Xuân giết hổ”. Thực đơn bữa ăn nên dùng các món thực phẩm có tính dinh dưỡng cao để giữ ấm cơ thể, nên dùng các món nóng sốt. Thực phẩm vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hoạt huyết… Đại đa số đều thiên về tính nhiệt như: hành, gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, quế, hồi… Khi dùng vào mùa đông có thể trừ hàn và kích thích tăng nhiệt lượng cho cơ thể.
- Mùa Đông là thời điểm quá trình trao đổi chất trong cơ thể tương đối chậm, bởi vậy Đông y chú trọng ‘dưỡng tàng’ vào thời điểm này. ‘Tàng’ có nghĩa cần giữ cho tinh thần yên ổn bình tĩnh. Nói cách khác, tinh thần cần lạc quan bao dung rộng lượng, sử dụng đại não một cách hợp lý để luôn giữ cho tâm thái được yên ổn mới có thể bảo vệ dương khí lại không tiêu hao âm tinh một cách quá độ.
- Mùa đông cơ thể người cần lượng nhiệt lớn để giữ ấm cho cơ thể trong khi “chuyện ấy” lại làm tiêu hao nhiều năng lượng, vì thế số lần và cường độ ân ái nên ít hơn vào mùa đông, sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn.