DƯỠNG SINH LÀ GÌ?
Thuật dưỡng sinh đã có từ rất lâu đời, có lẽ là ngay từ khi loài người bắt đầu có nhận thức về cuộc sống. Điều này có thể thấy đã được thể hiện trong các văn tự, các sách triết học cổ, trong các truyền thuyết hay giáo lý của các tôn giáo, các tập quán của các dân tộc. Ví dụ những tư tưởng trong kinh Phệ Đà (Phật giáo Ấn Độ), ngay từ trước cả thời Đức Phật đản sanh, người ta đã thấy nhắc đến những vấn đề mang màu sắc của thuật dưỡng sinh.
Dưỡng sinh là phương pháp rèn luyện để nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, theo đó:
Về nội dung: Dưỡng sinh thể hiện ở 3 nội dung cơ bản
- Dưỡng thể: Là chế độ dinh dưỡng và rèn luyện về thể chất (bao gồm cả thể hình , thể lực) và phát triển năng lực vận động của con người.
- Dưỡng tâm: Là rèn luyện các phẩm chất tinh thần và đạo đức, các mối quan hệ xã hội.
- Dưỡng trí: Là rèn luyện trí não nhằm duy trì năng lực trí tuệ, khả năng tư duy sáng tạo.
Về phương pháp tập luyện: Dưỡng sinh gồm 3 phần chính
- Luyện ý (luyện tinh thần, rèn luyện cách nghĩ và nếp sống tươi vui, tâm hồn trong sáng, tránh xa được mọi lo toan, phiền muộn…)
- Luyện khí (luyện thở khí công, qua đó tác động đến các nội tạng trong cơ thể làm cho thần kinh bớt căng thẳng, điều hòa hơi thở, nhịp tim, làm cho gan mật, dạ dày và ruột hoạt động tốt hơn)
- Luyện hình (vận động cho gân, cơ, xương, khớp hoạt động dẻo dai, tăng cường khả năng chịu đựng …).
Tại Trung Quốc, những tư tưởng về dưỡng sinh đã được đề cập đến trong Kinh Dịch, trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử … Hoa Đà, một vị danh y Trung Quốc vào thế kỷ thứ hai đã nói: “Vận động giúp khí huyết lưu thông và ngăn ngừa bệnh tật”.
Nói đến dưỡng sinh không thể không nhắc đến giáo sư Ohsawa người Nhật Bản đã sáng lập ra nguyên tắc dưỡng sinh của ông, và đặt là Tân Dưỡng Sinh Ohsawa. Phương pháp của ông đã được áp dụng không chỉ ở Nhật bản mà còn khắp mọi nơi trên thế giới.
Ở Việt Nam, Tuệ Tĩnh là một danh y của nước ta vào thế kỷ thứ 14. Những tài liệu y học của ông đã để lại cho chúng ta không nhiều, nhưng ông đã để lại cho chúng ta những quan điểm về đường lối y tế thật là bất hủ. Về dùng thuốc, Tuệ Tĩnh đã đề xuất: “Nam dược trị Nam nhân” nghĩa là thuốc Nam trị bệnh cho người Việt Nam. Ông đã đề ra phương châm bảo vệ sức khỏe chỉ trong bài thơ ngắn: “Bế Tinh dưỡng Khí tồn Thần; Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình”
Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1791) – danh y nổi tiếng của Việt Nam, cũng là người chủ trương khuyến khích luyện tập dưỡng sinh để phòng và chữa bệnh,. Ông đã có nhiều bài thơ phú đề cập đến thuật dưỡng sinh còn lưu truyền đến ngày nay.
Ngày nay, cố Bộ trưởng Bộ Y tế – Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (1996-1998) đã dày công nghiên cứu và đã đưa ra “Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng” mang tính khoa học cao, dễ hiểu, dễ tập và được phổ biến rộng rãi.
Phương pháp dưỡng sinh của cố giáo sư Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) cũng đã rất phổ biến, hiện nhiều nơi đã áp dụng có hiệu quả bài tập dưỡng sinh của ông, trong đó có Câu lạc bộ “Dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” tại Nhà xuất bản Thế Giới (Hà Nội) và Câu lạc bộ Dưỡng sinh tại Cung văn hóa Lao động TP HCM.
Tập luyện dưỡng sinh thích hợp cho tất cả mọi người, nó được coi là phương tiện để giúp cho con người đạt được nguyện vọng sống vui, sống khỏe, sống trường thọ, nó giúp phòng ngừa và chữa trị được vô số những bệnh tật từ thông thường đến phức tạp, nó còn nhắm đến việc mang lại cả những chất liệu để nuôi duỡng tinh thần, giúp chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa hơn, cao thượng hơn, hạnh phúc hơn.