CÂU CHUYỆN “TÁI ÔNG MẤT NGỰA”
Nghĩa Hán Việt: Tái là “cửa ải”, Ông là “ông lão, ông già”, Tái Ông là “ông già sống gần biên ải”. Tái Ông mất ngựa là một một câu chuyện đầy kịch tính, hết sức thú vị và đáng suy ngẫm trong cuộc sống. Thành ngữ “Tái Ông mất ngựa” có xuất xứ từ Trung Quốc.
Câu chuyện được trích từ tác phẩm Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang nhà Hán Trung Quốc (202 TCN - 220 CN).
Có một ông lão sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông) vùng phía bắc giáp nước Hồ. Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.
Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.
Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.
Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều được điều động ra chiến trường. Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.
>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn về câu chuyện “Tái ông mất ngựa”
Câu chuyện “Tái ông mất ngựa” mang đầy ý nghĩa về Nhân sinh quan:
Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa - Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái kết quả của nó.
Hai điều Họa - Phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được Phúc thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái Họa sẽ đến. Khi gặp điều Họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà hãy giữ Điểm tĩnh, tinh thần lạc quan để vượt qua.