Hoàng đế Đường Thái Tông (23-1-599 – 10-7-649)
CỔ NHÂN GIỮ CHỮ TÍN: “Giao ước tử vong” giữa Đường Thái Tông và 390 tử tù - Không một ai thất hứa
Trong chiều dài của lịch sử, Đường Thái Tông là vị Hoàng đế văn võ song toàn, khoan dung độ lượng, phẩm chất đạo đức cao thượng, là một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa. Trong cuốn “Tư trị thông giám” có câu chuyện kể về khế ước giao kèo của Hoàng đế Đường Thái Tông với 390 tử tù khiến hậu thế không khỏi nghiêng mình kính phục.
Tháng Chạp năm Trinh Quán thứ 7, tuyết bay lả tả khắp trời, Hoàng đế Đường Thái Tông đi thị sát nhà lao của triều đình lần cuối. Đây là nơi giam giữ 390 tử tù khét tiếng. Họ là những phạm nhân tội ác tày trời, dù đã qua nhiều lần minh xét cũng không thể giảm nhẹ thêm được, họ chỉ có thể lặng lẽ chờ đợi cho đến ngày án tử thi hành.
Hoàng đế Thái Tông cho rằng, chim sắp chết ắt tiếng hót bi ai, người sắp lìa đời ắt tiếng lòng lương thiện. Vậy nên, nỗi lòng của một tử tù sắp lìa giã cõi đời cũng cần được lắng nghe, đồng cảm.
Hoàng đế Thái Tông bước đến phòng giam, đối diện với 390 phạm nhân đang chờ lãnh án tử mà dõng dạc lên tiếng:
“Trẫm muốn hỏi các ngươi hai điều, hãy trả lời thành thực!”.
Trên gương mặt u buồn và vô vọng ấy, những đôi mắt lấp lánh đang ngước lên nhìn vị Hoàng đế.
Thứ nhất, đối với tội trạng mà Triều đình phán xét, các ngươi có ý kiến gì khác không?
– Thưa Thánh thượng, chúng tôi không hề oan, chúng tôi xin nhận tội!
Được! Thứ hai, trẫm cho phép các ngươi được nói lên tâm nguyện cuối cùng trước khi chết.
Một phạm nhân quỳ xuống, vội vàng khấu đầu ba cái rồi ngẩng lên nghẹn ngào nói:
– Thưa Thánh thượng, tội nhân chỉ muốn về nhà thăm cha mẹ già để nói lời vĩnh biệt cuối cùng.
Điều này… – Đường Thái Tông tỏ ra trầm tư suy ngẫm rồi đưa mắt nhìn các tù nhân khác Còn các ngươi?
– Muôn tâu Hoàng thượng, chúng tôi cũng thế, chúng tôi cũng thế! – Các tù nhân cùng đồng thanh nói.
Đã vậy thì trẫm và các ngươi hãy lập một “giao ước tử vong”, các người có bằng lòng không?
– Bằng lòng, bằng lòng, thưa Hoàng thượng!
Được! Vậy trẫm cho phép các ngươi về nhà thăm cha mẹ vợ con, các ngươi sẽ không phải chịu bất cứ sự giám sát nào.
Các phạm nhân bàng hoàng nhìn nhau, dường như không dám tin vào tai mình.
Hoàng đế Thái Tông đưa mắt nhìn các tử tù một cách uy nghiêm và nói:
“Nhưng các ngươi cần phải hứa sẽ quay về đầy đủ. Trước buổi trưa ngày mồng 4 tháng 9 sang năm, trẫm yêu cầu tất cả không thiếu một ai, tự giác trở lại đại lao đúng thời hạn để chịu tội và nhận bản án tử hình”.
Các tù nhân nghe xong đều long lanh nước mắt, rồi tất cả đồng thanh hô to:
– “Đội ơn Thánh thượng anh minh!”.
Lúc ấy, quan Thượng thư bộ hộ kiêm Đại Lý Tự Khanh là Đái Trụ bèn đến bên nhắc nhở Đường Thái Tông:
“Hoàng thượng, họ đều là phạm nhân giết người cướp của, tội ác tày trời không thể tin tưởng được, đến lúc đó không quay lại biết phải làm sao? Xin hoàng thường suy nghĩ lại”.
Hoàng đế Thái Tông vẫn kiên quyết đáp:
“Dùng lòng thành để đổi lấy lòng trung, ta tin họ sẽ không bội ước sự tín nhiệm này của ta”.
Thời gian thấm thoắt qua đi, kỳ hẹn ngày 4 tháng 9 cuối cùng cũng đến. Tại đô thành Trường An, dân chúng từ khắp nơi lũ lượt đổ về đây như nước thuỷ triều dâng. Trong chốc lát, khu quảng trường phía trước nhà tù đã chật ních người, những đầu người lô nhô xao động, ai cũng kiễng chân lên ngó nghiêng và chờ đợi.
Đám tù nhân thập ác bất xá, liệu còn sót lại chút lương tri nào mà giữ lời hứa với hoàng thượng hay không? Hơn nữa đây lại là bản án tử hình, thật khó tin họ sẽ đến để lãnh nhận cái chết.
Nhưng kết quả thật bất ngờ, các phạm nhân lần lượt từng người từng người trở về. 1, 2, 3… 300… 380.. 388… Cuối cùng 389 người đã có mặt, chỉ còn thiếu đúng một người. Quan cai ngục vội vàng điểm danh, phát hiện tử tù vắng mặt này quê quán tại Kinh Kỳ Phù Phong, tên là Từ Phúc Lâm.
Tin loan truyền đi, không chỉ dân chúng xôn xao bàn tán, mà ngay đến những tù nhân khác cũng bất bình trong tâm: Hừ, tên Từ Phúc Lâm thật là đáng trách, sao lại lật lọng, sao lại thất tín như thế? Nếu còn cơ hội ra khỏi đây, chúng ta phải giết hắn cho hả giận!
Mọi người đưa mắt nhìn Đường Thái Tông, không hiểu vị hoàng đế trẻ tuổi này sẽ hành xử ra sao với lời hứa của mình. Đường Thái Tông nắm chặt hai tay nói: “Đợi thêm chút nữa”. Thời gian trôi qua từng khắc, nét mặt của mọi người ai nấy đều trầm tư.
Một canh giờ qua đi, phạm nhân vẫn chưa thấy quay về. Mọi người lại bắt đầu nghị luận, có lẽ Phúc Lâm này không giữ lời hứa rồi, phụ lòng tin tưởng của hoàng đế rồi…
Nửa giờ nữa lại trôi qua, vẫn không có tin tức của Từ Phúc Lâm. Mọi người lo lắng, lửa trong lòng cháy lên như thiêu như đốt, còn các tù nhân thì gầm gào như sấm dậy.
Bỗng dưng có người hét lên: “Kia rồi! Kia rồi!”. Mọi ánh mắt dồn cả về phía tiếng bánh xe đang vọng lại. Đúng là có một chiếc xe bò từ phía xa đang đến gần, đến gần.
Rất nhanh chóng, từ trong xe bước ra một người đàn ông ốm yếu, gầy guộc, da dẻ vàng vọt. Đúng rồi, đây chính là Từ Phúc Lâm! Thì ra trên đường trở lại Trường An, Từ Phúc Lâm mắc trọng bệnh không thể đi được, sau đành phải thuê một chiếc xe để đến, kết quả bị chậm trễ so với mọi người.
“Bây giờ làm thế nào, thưa Hoàng thượng?” – Đái Trụ hỏi.
Đám tù nhân bất giác cúi đầu, họ biết giờ tử đã điểm.
“Làm thế nào ư?”, Đường Thái Tông đưa mắt nhìn các tù nhân một lượt, rồi đột nhiên tuyên bố:
“Trẫm đại xá tất cả tù nhân, cho các khanh tự do về nhà!”.
Ngay sau lời tuyên bố của Hoàng đế Thái Tông, vang dội tiếng tung hô “Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…”. Đất Trời như hoan ca, cả thành Trường An hân hoan trong niềm vui mới. Không chỉ 390 tử tù, mà tất cả dân chúng đều cảm động trước lòng nhân từ của Hoàng đế Đường Thái Tông. Một bậc Minh quân sáng suốt sẽ không lấy hình phạt để răn đe người phạm tội, mà lấy đức độ, khoan dung, và độ lượng để cảm hoá lòng người, khiến ngay cả những kẻ tội đồ khét tiếng nhất cũng phải rơi lệ mà nguyện ý thay đổi chính mình. Đây quả là một kỳ tích trong lịch sử Phong kiến Trung Hoa.
Trường An một ngày gió mây đột biến, Tây vực phản loạn. Vào năm thứ 14 Trinh Quán, hoàng đế Đường Thái Tông bổ nhiệm Hầu Quân Tập làm thống soái viễn chinh quân Tây vực, thống lĩnh 15 vạn kỵ binh chinh chiến. Biết tin, 390 tù nhân năm xưa đã khảng khái hiên ngang, tự nguyện xin ra trận chiến đấu.
Dưới sự dẫn dắt của Hầu Quân Tập, họ xông pha lửa đạn, anh dũng giết giặc, cuối cùng toàn bộ đổ máu ngoài chiến trường, hy sinh oanh liệt vì Giang sơn xã tắc.
Tây vực được thu phục, từ đó Đại Đường vững bước tiến vào một thời kỳ thịnh trị, ghi lại những trang vàng son trong lịch sử Trung Hoa.
>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn về Cổ nhân giữ Chữ Tín
Giữ Chữ Tín chẳng tốt hơn sao? Giả sử đám tù nhân kia bất tín trốn tránh không quay về chịu tội như đã hứa, thì cũng không thoát được sự truy bắt của Triều đình, quãng đời còn lại phải sống trốn tránh chui lủi, tủi nhục, bất an. Hơn nữa cũng khó toàn mạng với những phạm nhân còn lại khi được Hoàng đế Đường Thái Tông đại xá.
390 tử tù không một ai thất hứa đem lại lợi ích cho chính họ, đem lại niềm vui cho mọi người, đem lại sự thanh bình, thịnh vượng và phát triển cho Đất nước.
Đạo Trời lấy chữ Sinh làm trọng và con số 390, theo ý kiến của “bàn dân luận số”, quả là con số mang ý nghĩa may mắn.
Khổng Tử có câu: “Người không có chữ Tín, sẽ chẳng làm nên việc gì?”. Chữ Tín là danh dự của chính bản thân mình. Mà danh dự của mỗi con người luôn được đặt lên hàng đầu. Con người mà thiếu 1 trong 5 ngũ thường ( Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín ) thì sẽ không bao giờ trở thành những người có tầm vóc lớn được.
Ngày nay, Chữ Tín thường được mọi người nhắc đến rất nhiều và được coi như là chìa khóa của sự thành công. Chữ Tín chính là sự tin tưởng lẫn nhau, không thất hứa, luôn luôn thực hiện đúng cam kết đúng lịch trình đề ra.
Giữ chữ Tín cũng được coi là một đạo lý, đây không chỉ là biết giữ lời hứa mà còn thể hiện được sự tôn trọng chính bản thân mình cũng như tôn trọng những người khác.
Văn phòng phẩm Hải Giang luôn giữ Chữ Tín trong Kinh doanh. Chúng tôi coi đó là chuẩn mực phục vụ Khách hàng, hợp tác lâu dài với các đối tác và phát triển Công ty.