Trang chủ Liên hệ

Những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu - Phần 2

vanphongphamhaigiang 02/12/2021

Nước nóng nước nguội – Nghệ thuật sửa lỗi cho Cán bộ của Bác Hồ

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sĩ. Đồng chí này đã từng là giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.

Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác. Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ (buổi trưa), “đồng chí cán bộ Trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa

Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội mát không?

- Dạ có ạ.

Bác nghiêm nét mặt nói:

- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn. Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa...

 

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn

Mỗi con người đều có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng, khi làm việc khó tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai sót, sai lầm. Cách sửa lỗi Cán bộ của Bác Hồ thật là đắc nhân tâm. Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý nhân sự của các đơn vị, tổ chức, cơ quan.

 

Câu truyện về chiếc đồng hồ

“Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ Đô, nay được dịp về công tác, anh em bàn tán sôi nối. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán...

Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm hội nghị. Các đại biểu ra đón Bác. Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đầm hai bên vai áo nâu... Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:

- Các cô chú có trông thấy cái gì đây không?

Mọi người đồng thanh: - Cái đồng hồ ạ.

- Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì?

- Có những con số ạ.

- Cái kim ngắn, kim dài để làm gì?

- Để chỉ giờ, chỉ phút ạ.

- Cái máy bên trong dùng để làm gì?

- Để điều khiến cái kim chạy ạ.

Bác mím cười, hỏi tiếp:

- Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa không được ạ. Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ!

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên cao và kết luận:

- Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các cô, chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ, cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không? Ví dụ: Bác được Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chí cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chí cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công việc chung. Đó là sự phân công của tổ chức

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đà khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những thắc mắc riêng tư.
 

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn

Câu chuyện chiếc đồng hồ như một lời nhắn nhủ đối với mỗi chúng ta về sự phân công và ý thức về tinh thần trách nhiệm cá nhân trong một đơn vị, tổ chức, cơ quan.

Một đơn vị, tổ chức, cơ quan cũng giống như một chiếc đồng hồ. Mỗi bộ phận, phòng, ban, cá nhân, là những bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta phải thật sự nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành mục tiêu chung đã được đặt ra.

 

Thời gian quý báu lắm

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. 

Bác bảo: 

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. 

Bác hỏi: 

- Chú đến muộn mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng bác không đồng ý: 

- Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.

Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn:

Quỹ thời gian của con người là có hạn. Thời gian là vàng, người ta có thể lấy lại của cải vật chất đã mất đi nhưng thời gian thì không thể. Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm thông minh và văn minh nhất.

Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập.

Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi

Chuyện xảy ra vào một buổi tối cuối năm tại một thung lũng thuộc núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hôm ấy, khi đồng chí Tường đang ngâm mình dưới nước để đóng chân cầu thì bỗng một cụ già đi ngang qua. Dưới ánh đuốc sáng, biết mọi người đang khẩn trương hoàn thành chiếc cầu phục vụ chiến dịch sắp tới, ông Cụ dừng lại chăm chú quan sát và hướng về đồng chí Tường, đang ngâm mình dưới nước lạnh.

Khi Tường lên bờ nghỉ cho đỡ rét, Cụ lại gần, nhìn bộ quần áo ướt anh đang mặc, hỏi:

- Đồng chí có quần áo thay chưa?

Tường thật thà đáp chưa. Thấy vậy, Cụ liền lấy một chiếc áo trong gói đem theo, đưa cho Tường và nói:

- Đồng chí cầm lấy.

Từ chối không được, Tường ôm chặt lấy Cụ và cảm ơn. Ông Cụ chống gậy theo con đường nhỏ khuất trong buổi tối mờ sương.

Sau đó ít lâu, Tường được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc và đã nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện...

Trong bản báo cáo thành tích, Tường đã kể lại câu chuyện gặp ông cụ già và được ông cụ tặng chiếc áo trong ngày lạnh giá ấy.

Lần đó, Bác Hồ thưởng huy hiệu cho nhiều đại biểu đến dự hoạt động. Đến lượt gắn huy hiệu cho Tường, Bác mỉm cười hỏi:

- Thế đồng chí không nhớ tên cụ nông dân mà đồng chí vừa kể à?

- Cháu rất tiếc là đã quên không hỏi, nhưng hy vọng sẽ có ngày cháu gặp lại cụ ấy! Tường thưa với Bác.

Hồ Chủ tịch mỉm cười, xiết chặt tay anh và nói:

- Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi.

Bác Hồ bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Bác như Bác thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói:

- Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tính xấu này. Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thứ quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào.

Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Penixillin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: "Nhưng hút thế để có cữ". Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống ba bốn điếu một ngày. Cứ như vậy, Bác hút thưa dần.

Đầu tháng 3/1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.

Sau một tuần thấy Bác quyết tâm như vậy, anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác đã bỏ quốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:

Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa Xuân

 

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn:

Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen. Hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Bác...”  nhưng vì lợi ích lớn hơn, bảo vệ sức khỏe để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt nam, Bác đã lập kế hoạch và thực hiện được việc bỏ thuốc lá.

Thương Bác Hồ quá, kính phục tính kiên trì và quyết tâm của Bác.

Nếu ai muốn bỏ thuốc lá vì lợi ích lớn hơn hãy học tập tấm gương của Bác Hồ

Bài viết liên quan