CÔNG TY VĂN PHÒNG PHẨM HẢI GIANG

phoneHotline: 0936.236.365 - 02438259818.

Những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu - Phần 3

Đăng bởi vanphongphamhaigiang vào lúc 02/12/2021

Những mẩu chuyện về ứng xử khéo léo của Bác Hồ

 

Năm 1946, một nhà văn là uỷ viên thường trực Ban vận động Đời sống mới đến gặp Hồ Chủ tịch để xin ý kiến Người về nội dung cuộc vận động. Bác Hồ nói nên vận động nhân dân thực hiện mấy chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

- Thưa cụ, mấy chữ ấy rất hay nhưng nghe có vẻ cổ. Cụ có thể thay bằng mấy chữ khác không ạ?

- Thế cơm ông cha ta đã từng ăn hàng ngàn năm trước, hiện nay chú và tôi hằng ngày vẫn ăn, chú thấy có cổ không? Không khí ông cha ta đã từng hít thở, ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục hít thở, chú thấy có cổ không?

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mấy chục vạn quân Tưởng giới Thạch kéo vào tìm cách khiêu khích để lấy cớ tiêu diệt cách mạng Việt Nam. Bác Hồ triệu tập các vị lãnh đạo cao cấp để xử lý một vấn đề "hệ trọng", Bác nói:

- Tướng của quân đội Trung Hoa dân quốc có gửi cho tôi một bức công văn, nội dung như sau:

“Kính thưa Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm”?

Không cần phải nói, ai nấy đều có thể hình dung không khí tức giận bao trùm lên cuộc họp. Có những ý kiến đòi đánh.

Với phong thái bình tĩnh, ung dung, Bác Hồ nói: "Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Còn trong sự việc vừa đem ra bàn, họ mượn cái nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?

 

Khoảng giữa năm 1949, một nhà báo Thái Lan trực tiếp phỏng vấn Hồ Chủ tịch để thăm dò xem Việt Nam đứng về phía nào trong cuộc chiến Quốc - Cộng ở Trung Quốc.

- Thưa Cụ Chủ tịch, nước Việt Nam của Cụ đứng về phía ông Tưởng hay ông Mao? Xin

Cụ miễn cho câu trả lời "đứng trung lập".

- Chúng tôi đứng trung lập. Cũng như Thái Lan của ông đang đứng trung lập giữa Anh và Mỹ!

- Nghe nói quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã gửi cho Cụ súng cối và súng liên thanh. Cụ đã nhận được chưa, nếu chưa thì Cụ có định nhận không?

- Chúng tôi chưa nhận được gì hết. Còn đúng như ông nói là họ có ý định gửi cho chúng tôi thì trong trường hợp này, ông khuyên chúng tôi nên làm như thế nào?

Ngày 5/10/1959, ông Si-ra I-si Bôn, cố vấn biên tập báo A-xa-hi-sin-bun Nhật Bản phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, trong đó có việc Chính phủ Nhật Bản dự định bồi

thường chiến tranh, mà phía Nhật lại chọn Việt Nam lúc đó do ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát làm đối tác. Câu hỏi và trả lời như sau:

Hỏi: Việc đàm phán về vấn đề bồi thường chiến tranh đã được tiến hành giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam. Ngay ở Nhật Bản cũng có người chỉ trích việc đàm phán này và tin tức cho biết Ngài không hài lòng. Theo ý Ngài, nhân dân Nhật Bản cần được hiểu vấn đề này như thế nào? Theo ý Ngài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào mới đúng?

Trả lời: Trong cuộc Đại chiến lần thứ hai, quân phiệt Nhật Bản đã xâm chiếm nước Việt Nam và đã gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản tiến hành đàm phán và ký kết bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam Việt Nam là không hợp pháp.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thấy rằng, việc đòi hỏi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt - Nhật đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình là quý hơn hết.

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn

Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập Quốc tế, hội nhập Kinh tế sâu rộng, nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến'' (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi) và cách ứng xử tài tình của Bác Hồ là bài học sâu sắc, vô cùng giá trị đối với chúng ta.

 

Gương mẫu tôn trọng luật lệ

Hàng ngày, Bác thường căn dặn anh em cảnh vệ chúng tôi phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết nghị thì phải triệt để thi hành. Nếu đã tự đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.

Một hôm chúng tôi theo Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ, tham quan chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép, nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.

 

Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon, bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đang lúc đông người. Xe của Bác như các xe khác đều dừng lại cả. Chúng tôi lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì chúng tôi không biết làm thế nào được. Nghĩ vậy, chúng tôi bàn cử một đồng chí cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao cảnh bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý, Người ngăn lại rồi bảo chúng tôi:

- Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.

Chúng tôi vừa ân hận, vừa xúc động, hồi hộp chờ người công an giao cảnh bật đèn xanh để xe qua...

 

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn

Các qui định Pháp luật, các qui ước, ước lệ... gọi chung là luật lệ, được đặt ra và yêu cầu mọi người thực hiện với mục đích giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo sự công bằng xã hội, đem lại sự bình yên cho mọi tầng lớp nhân dân. Câu chuyện Bác Hồ gương mẫu tôn trọng luật lệ đáng để chúng ta suy ngẫm và noi gương.

 

Tình yêu của Bác dành cho thiếu nhi

Sinh thời Bác Hồ cho rằng 'trẻ em không chỉ 'như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan' mà còn là người chủ tương lai của Đất nước.

Một lần vào đầu mùa Xuân 1963, sau khi thăm cơ sở xong, lên đường về Hà Nội, thấy ngọn đồi có cây cối sum suê, Bác cho nghỉ lại. Lúc này giữa trưa vắng vẻ, mấy Bác cháu giở cơm nắm ra vừa ăn vừa ngắm cảnh.

Vừa ăn xong, ngồi nghỉ được một lát thì nghe có tiếng lội bì bõm và tiếng người nói rì rầm. Mấy đồng chí đi theo Bác chạy ra thì thấy hàng chục thiếu nhi trai có, gái có, cháu cầm cào cỏ cháu xách rổ hái rau, đang hướng về chỗ gốc cây to nơi Bác ngồi nghỉ. Đồng chí bảo vệ báo cáo tình hình với Bác, Bác cười:

– Các chú đi mời các cháu lại đây chơi với Bác, nhưng nhớ đừng làm các cháu sợ. Các cháu sung sướng chạy ùa đến và quây thành vòng tròn quanh Bác, cháu nào cũng hớn hở vui mừng.

Bác trìu mến nhìn khắp lượt và hỏi vui:

– Các cháu làm gì mà đông thế? Một bé trai dáng lém lỉnh lễ phép đáp:

– Thưa Bác, một bạn thấy Bác xuống xe liền bảo chúng cháu ra xem Bác ạ!

Bác cười rất vui vẻ:

- Muốn xem à? Bác ngồi đây, cháu nào muốn xem thì xem cho kỹ.

Cả Bác, cháu và các chú cùng đi, cười vui vẻ. Bác hỏi tiếp:

– Các cháu đều đi học cả chứ? Ở đây có cháu nào không được đi học không?

– Dạ, chúng cháu đều đi học cả ạ. Bác cười hiền hậu:

– Thế là tốt. Thế các cháu học có giỏi không? Có ngoan không nào?

Nhiều cháu phấn khởi trả lời Bác.

– Chúng cháu giỏi ạ, có ngoan ạ!

Bác gật đầu hài lòng và bảo các cháu hát. Các cháu đưa mắt nhìn nhau và cùng hát vang bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Thế là giữa thiên nhiên trời đất bao la, một dàn đồng ca gồm các nghệ sĩ tý hon biểu diễn say sưa dưới bàn tay bắt nhịp của Bác Hồ kính yêu.

Hát xong, Bác trìu mến nhìn các cháu và cất giọng hiền từ:

– Bác cảm ơn các cháu đến thăm Bác, hát cho Bác nghe. Bác mong các cháu học chăm, học giỏi, vâng lời thầy cô và cha mẹ. Bây giờ Bác phải đi tiếp, Bác cháu ta tạm chia tay nhau ở đây.

 

Bác có phải là Vua đâu

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng.

Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khoẻ, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.

Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới. Chuyến đi dài ngày, gian khổ. Anh em cảnh vệ kiếm được một con ngựa. mời Bác lên. Bác cười: chúng ta có bảy người, ngựa thì có một con, Bác cưỡi sao tiện?

Anh em vừa khẩn khoản: chúng cháu còn trẻ, Bác đã cao tuổi, đường xa, việc nhiều … Không nỡ từ chối, Bác trả lời:

- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba lô, gạo nước và thức ăn.

Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cười.

Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt.

Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:

- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là Vua đâu?

Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:

- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.

Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.

- Bác có phải là Vua đâu mà phải cung với tiến!

Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác không chấp nhận.

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn

Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi. Nhưng Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hoà mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.

Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi.

Noi gương Bác Hồ, mỗi chúng ta phải sống có trách nhiệm với xã hội, cống hiến cho sự phát triển, phồn vinh của Đất nước.

Chữ “quan liêu” viết như thế nào?

Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp “chỉnh huấn” chính trị trung cao cấp, anh em quây quần xung quanh Bác, nghe Bác kể chuyện, dặn dò.

Cuối buổi, Bác cầm một cái que nói:

- Các chú học đã giỏi, bây giờ Bác đố chữ này xem các chú có biết không nhé!

Anh em hưởng ứng “vâng ạ!”, “vâng ạ!”. Người nào biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc thì “nhẩm” lại kiến thức của mình, người không biết tiếng nước ngoài thì băn khoăn có chữ gì khó mà lại không đọc được nhỉ?

Bác vẽ một gạch ngang trên mặt đất rồi hỏi:

- Chữ gì nào?

Tưởng chữ “phạn”…chữ “cổ đại” nào chứ chữ này ai mà không biết. Cả lớp hò lên: Thưa Bác, chữ “nhất” ạ.

Bác khen:

- Giỏi đấy.

Rồi Bác lại gạch một gạch nữa dưới chữ nhất. Chưa kịp hỏi, anh em đã ồn lên:

- Chữ “nhị” ạ.

- Bác động viên:

- Giỏi lắm…

Người lại gạch thêm một gạch nữa dưới hai gạch cũ.

- Chữ “tam”ạ…

Bác cười:

- Khá lắm

Rồi Người vạch thêm một vạch nữa dưới chữ “tam”.

- Chữ gì nào?

“Các vị” đớ người ra, nhìn vào vạch đầu tiên thì vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn tí nữa cũng không được “song song” cho lắm, vạch thứ tư dài nhất, có vẻ đã “cong” lắm rồi…Tiếng Pháp thì không phải.

Tiếng Hán chữ “tứ” viết khác cơ!

Bác giục:

- Thế nào? Các nhà “mác - xít”?

Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt…

Bác đứng dậy:

- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra…Các chú biết cả đấy…

Để que xuống đất, Bác nói:

- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn…Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã tả hữu, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm…

Học viên cả lớp đứng im, không dám nhìn vào Bác.

>>> Văn phòng phẩm Hải Giang luận bàn

Bác Hồ thật là Thánh nhân, gần 70 năm trước (1952), Bác đã nhận ra tình trạng quan liêu trong đội ngũ Cán bộ. Chủ trương đúng, Chính sách đúng nhưng khi thực hiện chưa chắc đã đúng, thậm chí còn lệch lạc, làm mất lòng tin của Nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của Đất nước.

Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được thành tựu đáng khích lệ, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Chúng ta có quyền hy vọng chữ “quan liêu” sẽ mờ đi hoặc không xuất hiện trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HÀNG TỐT – GIÁ TỐT – GIAO HÀNG TẬN NƠI. CHÚNG TÔI PHỤC VỤ QUÝ KHÁCH 24/7

CÁC ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Văn phòng phẩm Hải Giang